Thứ Tư, 14 tháng 10, 2020

Ưu và nhược điểm khi bơm lốp bằng nitơ

 Lốp bơm nitơ tinh khiết có độ ổn định tốt hơn so với lốp bơm bằng không khí, tuy giá thành cao và khá bất tiện.

Hầu hết ôtô đều bơm lốp bằng không khí, chứa 76% nitơ, 21% oxy và 3% các khí khác. Tuy nhiên, giờ đây nhiều cửa hàng cung cấp dịch vụ mới, bơm lốp bằng nitơ có độ tinh khiết 92-98%.

Ưu và nhược điểm khi bơm lốp bằng nitơ

Nitơ đã được sử dụng nhiều trên xe đua, xe tải cỡ lớn và máy bay. Ưu điểm của phương pháp này là độ ổn định về áp suất lốp. Do phân tử nitơ có kích thước lớn hơn oxy nên tốc độ khuếch tán qua màng cao su chậm hơn. Với cùng mức giảm áp, một chiếc lốp bơm nitơ mất tới 3 tháng trong khi lốp không khí chỉ 1 tháng.

Ưu điểm nữa là nitơ tinh khiết không chứa hơi nước nên ít giãn nở vì nhiệt. Trong khi không khí chứa một lượng hơi ẩm nhất định, do đó, lốp giãn nở nhanh hơn, dẫn tới độ ổn định khi vận hành thấp. Đây là lý do hầu hết xe đua bơm nitơ bởi nhiệt độ lốp tăng lên rất nhanh khi vận hành ở tốc độ cao và phanh liên tục.

Ngoài ra, do không chứa oxy nên bơm lốp bằng nitơ tránh được hiện tượng oxy hóa, chống cháy nổ.

Những lợi thế trên của lốp nitơ là không thể tranh cãi. Tuy nhiên, nó có thực sự giúp tiết kiệm nhiên liệu hay không lại vẫn là câu hỏi lớn. Trong một bài báo năm 2006, AP từng đưa ra dẫn chứng kỹ sư George Bourque, làm việc tại hãng Fairfield, cho biết anh đi được thêm 0,4 km đến 0,6 km trên mỗi lít nhiên liệu với lốp sử dụng nitơ.

Các tổ chức uy tín lại không đưa ra bất cứ kết luận nào. Phòng năng lượng Mỹ cho rằng chỉ cần bơm đúng áp suất lốp, bất kể bằng không khí hay nitơ, xe vẫn có khả năng tiết kiệm được 3,3% nhiên liệu.

Rae Tyson, người phát ngôn của cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA không thể hiện quan điểm về sử dụng nitơ. Tuy nhiên ông cho rằng phương pháp này "khuyến khích" tài xế giữ đúng áp suất lốp, qua đó giảm mức tiêu hao nhiên liệu và tăng độ an toàn.

Dù bơm bằng nitơ hay không khí, giữ đúng áp suất lốp có thể tiết kiệm đến 3,3% nhiên liệu.

Các chuyên gia ở Consumers Union, nhà xuất bản tạp chí Consumer Reports danh tiếng, thì không ủng hộ phương pháp nào trong vấn đề tiết kiệm xăng. "Nitơ chắc chắn an toàn hơn và về mặt lý thuyết, điều này dẫn tới những lợi ích khác", Douglas Love, người phát ngôn của Consumers Union nhận định.

Bên cạnh những ưu điểm trên, bơm lốp bằng nitơ có nhược điểm như giá thành cao. Chi phí cho mỗi chiếc lốp ở Việt Nam vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng còn ở Canada là 8 USD. Số tiền này chưa kể với những lần bơm sau. Nếu lốp non, tài xế phải tìm trạm có thiết bị bơm chuyên dụng. Trong trường hợp bất khả kháng là bơm không khí, lốp sẽ mất toàn bộ ưu điểm mà nitơ mang lại.

Với những phân tích trên, rõ ràng bơm nitơ có hiệu quả nhưng không thực sự cần thiết. Nếu muốn tiết kiệm nhiên liệu và an toàn khi cầm lái, bạn chỉ cần kiểm tra thường xuyên và giữ đúng áp suất lốp.

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi

 Tất cả chúng ta đều biết rằng khi xe hơi đang chạy trên đường, chỉ cần bạn đạp phanh thì chiếc xe sẽ từ từ giảm tốc độ và dừng lại. Vậy thực sự điều gì đã diễn ra khi bạn đạp phanh? Lực đạp từ bàn chân bạn được truyền tới bánh xe như thế nào? Làm thế lực chân được khuếch đại đủ lớn để có thể phanh cả một chiếc xe hơi to lớn? Bài viết này sẽ cùng các bạn tìm hiểu những nguyên lý cơ bản của hệ thống phanh trên xe hơi nhằm trả lời cho những thắc mắc nói trên.

Phanh được xếp vào danh sách những hệ thống đảm bảo an toàn trên xe hơi. Dĩ nhiên là không chỉ xe hơi mà bất cứ phương tiện vận chuyển nào cũng cần phải có hệ thống giúp giảm tốc độ và dừng lại theo ý muốn của người điều khiển. Trên hầu hết các dòng xe hơi, chúng ta sẽ bắt gặp được 2 loại phanh cơ bản nhất là phanh chính (thường vận hành bằng thủy lực) phanh tay. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ khảo sát dạng phanh thứ nhất là phanh chính, phanh tay sẽ được nghiên cứu sâu hơn trong một bài viết khác.

Những nguyên lý cơ bản trong một hệ thống phanh

Đầu tiên, vấn đề ở đây là nếu chỉ sử dụng lực của người điều khiển thì không thể nào dừng cả một chiếc xe to và nặng hơn rất nhiều lần, do đó, hệ thống phanh là vô cùng cần thiết. Khi bạn đạp phanh, lực sẽ được truyền từ bàn chân xuống cơ cấu phanh thông qua áp suất chất lỏng được dẫn đi qua hệ thống ống thủy lực. Để có thể tăng cường lực phanh lên tới mức cần thiết để dừng xe, hệ thống phanh đã sử dụng 2 cơ cấu trợ lực là: đòn bẩy và thủy lực. Tiếp theo, lực phanh sẽ được truyền tới bánh xe dưới dạng lực ma sát. Đồng thời, bánh xe cũng sẽ truyền lực đó xuống tới mặt đường dưới dạng ma sát giúp xe dừng lại.

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Sơ đồ các thành phần chính của hệ thống phanh trên xe hơi​

Trước khi bắt đầu khảo sát sâu hơn các chi tiết trong hệ thống phanh, chúng ta sẽ tóm tắt lại 3 nguyên tắc cơ bản của 1 hệ thống phanh trên xe hơi:

  • Đòn bẩy
  • Thủy lực (phanh dầu), chân không, khí nén hoặc kết hợp
  • Ma sát

Về cơ bản, cơ cấu thủy lực và khí nét có hoạt động tương tự nhau nên phần sau mình sẽ chọn mô tả loại thủy lực để các bạn dễ hình dung hơn. Đồng thời, đa số xe hơi hiện nay đều sử dụng hệ thống phanh thủy lực là chủ yếu. Một số loại xe còn sử dụng kết hợp cả khí nén.

Cơ cấu đòn bẩy và thủy lực

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Đòn bẩy và thủy lực

Trong hình minh họa bên trên, một lực F đã được tác động lên đầu bên trái của đòn bẩy. Phần bên trái dài hơn gấp 2 lần so với bên phải, do đó, lực hướng lên bên phải cũng có độ lớn gấp đôi so với lực đẩy xuống bên trái. Nếu thay đổi điểm đặt lực bên trái thì bội số cũng theo đổi tương ứng. Đó chính là nguyên tắc cơ bản của đòn bẩy mà chúng ta đều biết. Và khi kết hợp ý tưởng đòn bẩy với cơ cấu thủy lực, chúng ta có được bản chất của việc khuếch đại lực phanh trên xe hơi.

Về cơ bản, hệ thống trợ lực phanh trên xe hơi có cách hoạt động khá đơn giản: Lực được truyền từ bàn chân người lái đến điểm khác thông qua một chất lỏng không thể bị nén, thường là dầu nhớt. Bên dưới là hình minh họa cho một hệ thống thủy lực đơn giản.

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
2 piston (màu đỏ) được lắp vừa vặn bên trong xy lanh chứa đầy dầu

Các bạn có thể thấy, 2 piston (màu đỏ) được lắp vừa vặn bên trong xy lanh chứa đầy dầu. 2 xy lanh được kết nối với nhau bằng 1 ống dẫn cũng chứa đầy dầu. Nếu bạn đẩy 1 piston xuống, lực sẽ được truyền qua dầu và dẫn tới xy lanh bên kia làm nó di chuyển lên. Do tính chất của dầu bên trong ống dẫn là rất khí nén lại, nên gần như toàn bộ lực được truyền đi qua lại giữa 2 piston. Đồng thời, điểm thuận lợi của cơ cấu thủy lực là chúng ta có thể chế tạo đường ống dẫn theo bất cứ hình dạng và kích thước nào cho phù hợp với nhu cầu lắp đặt trên xe.

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Chỉ cần thay đổi kích thước và dung tích của xy lanh, lực sẽ được truyền đi theo một tỷ lệ theo yêu cầu

Đồng thời, chúng ta cũng có thể chia đường ống dẫn ra, để có thể dùng 1 piston chủ truyền lực cho nhiều piston con. Và chúng ta đã bắt đầu thấy được, đạp chân tại 1 điểm nhưng lực phanh được phân phối ra tới 2 bánh xe như thế nào. Do đó, chỉ cần các kỹ sư thay đổi kích thước và dung tích của xy lanh, lực sẽ được truyền đi theo một tỷ lệ theo yêu cầu.

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Hình mô tả kích thước 2 piston

Với hình mô tả bên trên, giả sử piston bên trái có đường kính 5,08cm và bên phải là 15,24cm. Với phép tính đơn giản, chúng ta sẽ có tiết diện của 2 piston bên trái, bên phải lần lượt là 20,26 cm vuông và 182.41cm vuông. Xy lanh bên phải có tiết diện lớn gấp 9 lần so với bên trái. Điều đó có nghĩa là bất cứ lực nào tác động vào piston bên trái sẽ được nhân lên gấp 9 lần tại xy lanh bên phải. Thí dụ, nếu bạn tác động lực đẩy xuống 100N vào piston trái, thì piston bên phải sẽ di chuyển lên trên với lực có độ lớn là 900N (bỏ qua ma ma sát và các lực cản khác). Đồng thời, bạn chỉ cần di chuyển piston trái xuống 22,86cm thì piston bên phải sẽ được nâng lên 2,54cm.

Nguyên lý của sự ma sát

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Hình trên là cả 2 khối đều được ghép lại từ những viên gạch, nhưng khối bên phải nặng hơn bên trái 4 lần

Trên lý thuyết, ma sát là một loại lực cản xuất hiện giữa các bề mặt vật chất nhằm chống lại xu hướng thay đổi vị trí tương đối giữa 2 bề mặt. Trong một thí dụ đơn giản ở hình trên, cả 2 khối đều được ghép lại từ những viên gạch, nhưng khối bên phải nặng hơn bên trái 4 lần. Dĩ nhiên, bạn sẽ cần nhiều lực hơn để đẩy khối bên phải di chuyển. Tại sao vậy?

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Mỗi loại vật liệu sẽ có một cấu trúc hiển vi khác nhau

Mặt dù bề mặt của những viên gạch rất trơn tru khi quan sát bằng mắt thường, nhưng khi phóng đại dưới kính hiển vi, các bạn sẽ thấy bề mặt những viên gạch không phẳng như bạn tưởng. Đồng thời, viên gạch cũng có trọng lượng và luôn được Trái Đất kéo xuống theo phương thẳng đứng. Do đó, viên gạch càng nặng, trọng lượng càng lớn cộng với bề mặt nhám sẽ giúp nó có thể bám chắc trên bề mặt.

Mỗi loại vật liệu sẽ có một cấu trúc hiển vi khác nhau. Điển hình như thép sẽ trượt trên thép dễ dàng hơn so với việc trượt cao su lên cao su. Do đó, ở đây chúng ta sẽ có khái niệm hệ số ma sát trượt, diễn tả tỷ lệ giữa độ lớn lực ma sát trượt của vật liệu và trọng lực tác động lên vật thể. Giả sử nếu hệ số ma sát trượt là 1, bạn cần dùng 1 lực 100N để đẩy 1 vật có trọng lượng 100N. Nhưng nếu hệ số ma sát trượt là 0,1, thì bạn chỉ cần dùng 1 lực 10N để đẩy vật 100N.

Đến đây, chúng ta đã nắm được những nguyên tắc vật lý cơ bản trong hoạt động của hệ thống phanh. Tiếp theo, chúng ta sẽ dễ dàng khảo sát nguyên lý hoạt động của 1 hệ thống phanh cụ thể.

Hệ thống phanh cơ bản

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Hình mô tả hệ thống phanh

Trong hình minh họa, các bạn có thể thấy khoảng cách từ cần phanh tới điểm tựa (x) dài gấp 4 lần so với khoảng cách từ điểm tựa đến xy lanh (4x). Do đó, lực đạp cần phanh sẽ được nhân lên gấp 4 lần khi được truyền tới xy lanh. Đồng thời, bạn cũng nhận thấy rằng đường kính của xy lanh cuối (3y) lớn hơn xy lanh đầu (y) gấp 3 lần đồng nghĩa với tiết diện cũng lớn gấp 9 lần. Kết hợp toàn bộ hệ thống trên, lực đạp phanh của người lái sẽ được nhân lên gấp 36 lần. Nếu bạn đạp một lực 10N lên cần phanh, một lực với độ lớn 360N sẽ ép lên má phanh.

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Hệ thống phanh với xy lanh chủ và các tổ hợp van

Khi nghiên cứu tới đây, mình cũng có thắc mắc rằng nếu dầu bị rò rỉ ra ngoài thì sao? Nếu dầu bị rò rỉ, tất nhiên là sẽ đến lúc không còn đủ chất lỏng trong xy lanh và ống dầu dẫn đến hệ thống phanh sẽ không hoạt động. Để khắc phục điều này, các kỹ sư đã chế tạo một hệ thống phanh với xy lanh chủ và các tổ hợp van. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé.

Những nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh xe hơi
Xy lanh dầu chủ được chia thành 2 buồng thông với nhau và sẽ cung cấp áp suất cho cả 2 hệ thống ống dẫn dầu

Như các bạn có thể thấy trong hình, xy lanh dầu chủ được chia thành 2 buồng thông với nhau và sẽ cung cấp áp suất cho cả 2 hệ thống ống dẫn dầu. Khi bạn đạp cần phanh đồng nghĩa với việc đẩy piston thứ nhất chuyển động lên phía trước và áp suất dầu bên trong sẽ tăng lên. Khi đó, áp lực giữa piston thứ nhất và piston thứ 2 sẽ đẩy piston thứ 2 tiến về phía trước. Khi đó, dầu sẽ được đẩy đi một cách bình thường đến phanh. Trong trường hợp dầu bị rò rỉ tại 1 trong 2 ống, ống đó sẽ không thể duy trì áp suất như ban đầu tuy nhiên vẫn đảm bảo áp suất trong ống còn lại đủ để truyền tới cơ cấu phanh ở bánh xe. Khi đó, người điều khiển phải nhấn cần phanh mạnh hơn, tuy nhiên, xe vẫn có thể phanh một cách an toàn.

Đến đây, chúng ta đã có thể hiểu được những nguyên lý cơ bản trong quá trình vận hành của hệ thống phanh nói chung và phanh trên xe hơi nói riêng để trả lời cho các câu hỏi đặt ra ở phần mở đầu. Dĩ nhiên, hệ thống phanh trên xe hơi còn tồn tại rất nhiều vấn đề khác như phân loại và ưu nhược điểm của từng hệ thồng phanh trên xe hơi cũng như các công nghệ hỗ trợ phanh. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết mình xin kết thúc tại phần nguyên lý cơ bản, hẹn các bạn ở những bài viết khác cụ thể về từng hệ thống phanh. Xin cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Chúc vui vẻ và lái xe an toàn!

Cách đi ô tô tiết kiệm xăng triệt để nhất

 Thời buổi bão giá, xăng dầu liên tục tăng nên nếu sở hữu một chiếc ô tô thì làm thế nào để tiết kiệm nhiên liệu nhất là vấn đề luôn khiến bạn trăn trở. Hãy theo dõi bài viết sau và thực hành vì nó giúp bạn tiết kiệm xăng khá triệt để đấy.

Hướng dẫn cách lái ô tô tiết kiệm xăng nhất

Sử dụng điều hòa ô tô tiết kiệm xăng nhất

  • Hãy tăng nhiệt độ điều hòa lên một cách từ từ và chỉ nên bật điều hòa tối đa khi đang lái xe ở tốc độ cao.
  • Việc sử dụng điều hòa không đúng cách mùa hè sẽ khiến cho xe tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn mức bình thường tới 25%.

Hạ cửa kính xe 

  • Khi lái xe với tốc độ thấp hãy hạ cửa kính xe xung quanh xuống.
  • Khi xe đi ở tốc độ cao, việc mở cửa kính sẽ làm tăng độ cản gió của xe khiến cho xe tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn mức bình thường.

Cách đi ô tô tiết kiệm xăng triệt để nhất

Ít dùng phanh thi xe càng tốt ít nhiên liệu.

Cách dừng xe

  • Càng ít dùng phanh thì xe của bạn càng tiêu tốn ít nhiên liệu.
  • Không nên tăng tốc rồi phanh đột ngột khi cần dừng đỗ. Hãy thả xe dần dần từ xa cho đến khi tới điểm dừng đỗ.

Đỗ xe

  • Nếu có thể, hãy giữ cho cabin xe thoáng mát để tránh phải dùng điều hòa.
  • Đỗ xe trong bóng râm sẽ giúp giảm lượng nhiên liệu cần dùng khi làm mát xe.

Chở đồ đạc

  • Bỏ bớt khoảng 50kg hành lý, bạn sẽ tiết kiệm được 1-2% nhiên liệu.
  • Nếu không cần thiết có thể bỏ thanh giá trên nóc xe để giảm tải trọng cũng như mức độ cản gió của xe.

Bảo dưỡng xe

  • Thường xuyên kiểm tra định kỳ bộ lọc gió, lốp xe, dầu xe….là một trong những cách đơn giản nhất để tiết kiệm nhiên liệu cũng như tăng tuổi thọ xe.
  • Xe được chăm sóc tốt, bảo dưỡng định kỳ đúng hẹn sẽ giúp bạn tiết kiệm tới 50% nhiên liệu.

Những cách trên không những giúp bạn tiết kiệm nhiên liệu cho xe của mình mà còn giúp bạn bảo vệ chiếc xe luôn chạy tốt và như mới, hơn nữa chúng cũng chỉ là những mẹo rất nhỏ và không hề khó thực hiện. Hãy luôn luôn ghi nhớ để có thể dành hầu bao của mình cho nhiều việc khác nữa bạn nhé.

Kỹ năng đổ đèo xe số tự động

 Khi lên dốc chỉ cần để số D, xe sẽ tự động về số hợp lý, còn khi xuống dốc cần chuyển sang số tay.

Kỹ năng đổ đèo xe số cho người Việt

Kỹ năng đổ đèo xe số tự động cho người Việt

Những điều cần biết về ắc-quy ôtô

 Ắc-quy là thiết bị tích trữ điện năng, cung cấp năng lượng cho thiết bị khởi động, hệ thống đánh lửa và các thiết bị khác khi động cơ chưa hoạt động. Khi mua mới hay bảo dưỡng, cần lưu ý đến các thông số như kích thước, dung lượng, dòng khởi động để chọn được loại ắc-quy thích hợp nhất.

Ắc quy xe ô tô và những điều bạn cần biết

Ắc-quy là một trong những thiết bị quan trọng nhất trên xe hơi. Nó đảm niệm vai trò tích trữ điện năng, cung cấp năng lượng cho các thiết bị tiêu thụ điện (phụ tải) như máy khởi động, kích thích máy phát xoay chiều. Ắc-quy sẽ cung cấp điện năng cho các phụ tải khi máy phát điện chưa làm việc hoặc vòng tua máy chưa đạt tốc độ quy định. Ngoài ra, nó còn có vai trò cung cấp điện năng trong trường hợp phụ tải sử dụng dòng vượt quá dòng định mức của máy phát.

Những điều cần biết về ắc-quy ôtô

Sau khi khởi động và vòng tua máy đủ lớn, các thiết bị trên ôtô sẽ sử dụng điện năng sinh ra từ máy phát. Đồng thời, ắc-quy được nạp điện để tích trữ năng lượng cho các lần khởi động sau.

Đa số ắc-quy sử dụng trên ôtô là ắc-quy chì. Chúng được chia thành các loại như ắc-quy hở (ắc-quy nước) và ắc-quy kín (hay còn gọi ắc-quy khô). Loại ắc-quy nước có thể bão dưỡng như đổ thêm nước, còn ắc-quy khô không cần bảo dưỡng và dùng một lần cho đến lúc hết điện.

Khi mua mới hay bảo dưỡng, cần lưu ý những điểm sau để đảm bảo an toàn cũng như hoạt động ổn định của xe.


Ắc-quy trên xe ôtô. 

Dấu hiện hỏng hóc của ắc-quy

Ắc quy có độ bền và độ tin cậy khá cao, tuy nhiên sau một thời gian hoạt động lâu dài nó cũng sẽ hư hỏng và có các dấu hiệu sau:

  • Xe không khởi động được do bình yếu.
  • Đề xe khởi động yếu và quay chậm.
  • Đèn xi nhan mờ và không cắt rờ le.
  • Bình ắc quy có rỉ bẩn và cọc bình dơ.
  • Còi xe yếu và đèn xe mờ khi bóp còi.

Giải pháp khắc phục

Đối với những tay xế nhiều kinh nghiệm thì có thể căn cứ vào một số dấu hiệu để đoán và chữa bệnh cho ắc-quy sắp hỏng.

  • Nếu ắc-quy của bạn đã được 2-3 năm thì đây là lúc bạn nên thay mới.
  • Quan sát bẳng mắt thường chúng ta có thể nhận thấy bị phồng rộp hoặc có các vết rỉ bẩn ra ngoài chứng tỏ ắc-quy đang có vấn đề.
  • Khi phát hiện thấy ắc-quy có mùi cháy khét thì giải pháp đơn giản nhất là chúng ta thay nga ắc-quy mới.

Bên cạnh đó, bạn có thể kiểm tra nguyên nhân hư hỏng xe có phải do ắc-quy không là sử dụng một chiếc ắc-quy khác lắp vào thay thế, nếu xe hoạt động bình thường thì do ắc-quy cũ đã hỏng. Trong trường hợp lắp ắc-quy mới vào mà vẫn không khởi động được thì cần kiểm tra lại công tắc đề, máy đề, hệ thống dây diện xem có bị hỏng hóc hay bị đứt.

Cũng theo các chuyên viên kỷ thuật, có một số trường hợp ắ quy vẫn còn khá tốt nhưng còi yếu, đề nổ không được thì nguyên nhân có thể là do là do bị mô-ve (tiếp xúc kém) ở hai đầu cực của ắc-quy. Để khắc phục tình trạng này chúng ta chỉ cần tháo ắc-quy ra khỏi hộp chứa, tiến hành vệ sinh sạch hai đầu cực và cần thiết thì sạc lại để đảm bảo đủ dòng điện.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng nó là một tài sản có giá trị nên bạn đừng tự động sửa chữa nếu không có kinh nghiệm. Tốt nhất tốt nhất nên mang xe đến các đại lý chính thống để được các chuyên viên kỷ thuật kiểm tra kỷ lưỡng

Chọn kích thước ắc-quy

Trong trường hợp phải mua mới, vấn đề đầu tiên bạn cần quan tâm là kích thước ắc-quy. Chúng được chia thành nhiều loại, theo kích thước mà nhà sản xuất đã tiêu chuẩn hóa, phù hợp với vị trí và kích thước chỗ đặt. Một chiếc ắc-quy thích hợp sẽ được giữ chặt theo các rãnh, nhằm tránh những vấn đề nảy sinh do dao động hay rung trong quá trình xe chuyển động. Bạn nên lưu ý một vài mẫu xe cho phép lắp ắc-quy có kích cỡ khác nhau.

Dòng khởi động nguội CCA (Cold Cranking Amps)

(Ảnh: tsunamionline)

Ngoài việc chọn kích thước phù hợp, bạn phải đảm bảo ắc-quy có đủ năng lượng để khởi động động cơ. Năng lượng khởi động được do bằng thông số dòng khởi động nguội CCA. CCA được diễn giải là cường độ dòng mà ắc-quy cung cấp trong vòng 30 giây ở 0 độ F (-17,7 độ C) cho đến khi hiệu điện thế xuống dưới mức có thể sử dụng. Chẳng hạn một ắc-quy (12 volt) có CCA là 600, tức nó có thể cung cấp dòng điện 600 ampe trong vòng 30 giây tại -17,7 độ C trước khi điệp áp hạ xuống 7,2 volt.

CCA có ý nghĩa quan trọng đối với những xe ở vùng khí hậu hàn đới, nhiệt độ thường xuyên xuống dưới 0 độ C. Khi nhiệt độ xuống quá thấp, dầu động cơ và dầu hộp số trở nên đặc và khởi động xe vào buổi sáng sẽ rất khó khăn. Khi đó, ắc-quy phải có CCA cao hơn yêu cầu và bạn không nên chọn loại có thông số thấp hơn khuyến cáo, bởi nó gây hỏng động cơ.

Ở vùng khí hậu nóng, bạn không cần giá trị CCA quá cao do dầu động cơ và dầu hộp số không bị đặc. Ngoài CCA, còn có thông số khác đo dòng khởi động như CA (Cranking Amps) chỉ cường độ dòng điện mà ắc-quy cung cấp trong vòng 30 giây tại nhiệt độ 32 độ F (0 độ C) trước khi điện áp xuống mức 7,2 volt.

Thông số dòng khởi động nóng HCA (Hot Cranking Amps) cũng được xác định theo cách tương tự nhưng ở nhiệt độ 80 độ F (26,7 độ C).

Dung lượng RC (Reserve Capacity)

Thông số quan trọng thứ 3 mà mỗi ắc quy cần phải có là dung lượng dự trữ của ắc-quy. RC được đo bằng phút khi ắc-quy phóng dòng 25 ampe ở 25 độ C trước khi điện áp xuống dưới mức quy định. Dung lượng phổ biến của ắc-quy dùng cho ôtô là 125 phút. Giá trị của RC thể hiện khả năng khởi động xe và người ta thường thử bằng cách khởi động một động cơ hạng nặng. Một lưu ý nhỏ là giống như CCA, bạn nên chọn ắc-quy có trị số RC cao nếu đi trong điều kiện lạnh.

Những lưu ý khi bảo dưỡng, sửa chữa ắc-quy

  • Nên tắt hết các thiết bị điện khi khởi động xe để tránh hao tổn năng lượng của ắc quy. Khi khởi động dòng điện cần cung cấp sẽ cao hơn bình thường (5 đến 7 lần) nên ắc quy sẽ tụt áp mạnh, vì vậy mỗi lần khởi động không nên kéo dài quá 5 giây và khoảng cách giữa mỗi lần khởi động ít nhất phải 10 giây để ắc quy kịp ổn định.
  • Khi lắp đặt ắc quy phải gắn cực dương trước âm sau và các cọc bình phải đảm bảo siết chặt tránh tình trạng lỏng lẻo gây nẹt lửa do tiếp xúc, sẽ không tốt và ảnh hưởng đến độ bền của các cực.
  • Thường xuyên kiểm tra và đảm bảo đủ lượng nước dung dịch đối với ắc quy ướt.
  • Thường xuyên vệ sinh các đầu cực ắc quy trong quá trình sử dụng và bảo dưỡng ắc quy định kỳ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
  • Tuyệt đối không để ắc quy bị ngắn mạch vì sẽ làm tổn hại nặng cho ắc quy và có thể gây nguy hiểm cho bản thân.
  • Khi sạc ắc quy cần sử dụng bộ sạc đúng chất lượng và tiêu chuẩn của nhà sản xuất, dòng sạc không vượt quá 10% dòng định mức của ắc quy và không được đấu nhầm cực khi sạc.

Chọn và lắp đặt bình chữa cháy cho ô tô như thế nào?

 Để tránh được mức phạt từ 300.000 – 5 000.000 VNĐ cho việc không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ, không đồng bộ phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), quan trọng hơn là đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho bản thân và những người xung quanh thì việc chọn và bố trí bình chữa cháy đúng cách là rất cần thiết.

1. Nắm rõ hơn về quy định mới về lắp đặt bình chữa cháy cho ô tô

Thông tư 57/2015/TT-BCA đã quy định đầy đủ và cụ thể phương tiện PCCC cho từng loại xe, giúp cho chủ sở hữu biết cách lựa chọn và sử dụng đúng loại. Quy định này được chính thức áp dụng vào ngày 06/01/2015.

Cụ thể:

Danh mục, định mức trang bị bình chứa cháy trên ô tô.

Danh mục, định mức trang bị bình chứa cháy trên ô tô.

2. Chọn và lắp đặt bình chữa cháy cho ô tô như thế nào?

Hiện trên thị trường có 2 loại bình chữa cháy phổ biển nhất là loại bình dạng bột và bình khí CO2.

Với bình chữa cháy dạng CO2: Khi sử dụng bạn nên cầm loa phun hướng vào gốc lửa với khoảng cách càng gần càng tốt, không gián đoạn mà nên phun liên tục cho tới khi lửa tắt hẳn. Với đám cháy chất lỏng thì phải phun trực tiếp trên bề mặt cháy, không nên phun xục xuống chất lỏng. Bình CO2 có hiệu quả dập lửa không cao đối với những đám cháy ngoài trời và khi dùng, bạn nên đứng ở đầu hướng gió để khí không bị bay ngược trở lại. Để tránh bị bỏng lạnh, chỉ nên cầm vào phần nhựa trên vòi và loa phun, tuyệt đối không phun vào người.

Sau khoảng 6 tháng sử dụng, bạn nên đem bình đi cân kiểm tra trọng lượng, nếu thấy trọng lượng đã bị giảm thì phải nạp thêm cho đầy. Với loại bình này nếu chọn loại tốt thì khoảng 2 năm bạn mới phải nạp thêm khí.

Sau 6 tháng, nên đem bình đi cân kiểm tra trọng lượng, nếu thấy giảm thì nạp thêm cho đầy.
Sau 6 tháng, nên đem bình đi cân kiểm tra trọng lượng, nếu thấy giảm thì nạp thêm cho đầy.

Bình chữa cháy bột: Loại bình này thường có đồng hồ chỉ lượng bột còn lại, nếu kim đồng hồ chạm vạch xanh tức là bình vẫn sử dụng tốt, chạm vạch đỏ là bột đang hao dần và khi kim chạm mức vàng tức là bạn đã bảo quản ở nhiệt độ không phù hợp hoặc đã đến lúc cần nạp thêm. Loại bình này có giá rẻ hơn bình CO2 nhưng chỉ có thời gian sử dụng trong khoảng 1 năm. Khi sử dụng, bạn nên lắc bình để tránh bột bị vón cục.

Thông thường trên nhãn dán của nhà sản xuất, nhập khẩu sẽ có ghi các ký hiệu như ABC hoặc BC, là thông tin về tác dụng của bình chữa cháy trên các chất liệu cháy. Trong đó A là chữa các đám cháy chất rắn như gỗ, giấy carton, nhựa, B chữa các đám cháy chất lỏng như xăng dầu, cồn, C chữa các đám cháy chất khí như: gas, LPG. Với bình chữa cháy cho ô tô thì nên chọn loại có ký hiệu ABC.

Bố trí bình chữa cháy cho ô tô ở đâu?

Để thuận tiện cho việc sử dụng trong những trường hợp cần kíp, bạn nên để phương tiện PCCC ở gần với vị trí dễ thấy và dễ lấy, tuy nhiên nên chọn nơi không làm vướng víu các thao tác trong khi lái xe hoặc trong tầm với trẻ em để tránh được những bất trắc xảy ra. Theo đó, bạn có thể bố trí bình chữa cháy ở hốc cánh cửa xe, dưới gầm ghế, dưới chân hành khách phía trước...

Không nên để bình chữa cháy ở các vị trí như cốp xe, gầm xe, nếu không để trong cabin mà được bố trí ở bên ngoài thì nên có biện pháp che chắn để đảm bảo tuổi thọ cũng như an toàn cho bình chữa cháy trong suốt quá trình sử dụng.

Bạn nên để phương tiện PCCC ở gần với vị trí của tài, dễ thấy và dễ lấy.

Bạn nên để phương tiện PCCC ở gần với vị trí dễ thấy và dễ lấy.

Nhiệt độ thích hợp và an toàn cho bình chữa cháy theo khuyến cáo của các nhà sản xuất là từ 50 - 55oC, nhiệt độ vượt quá "sức chịu đựng" của bình thì rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Do đó để đảm bảo an toàn thì bạn không nên bố trí bình ở những nơi có nhiệt độ quá cao, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời như bảng táp – lô, khay để đồ dưới kính chiếu hậu hoặc cột A...

Không nên sử dụng theo cách đối phó cho có chỉ với mục đích tránh được mức phạt. Khi lựa chọn nên ưu tiên những cơ sở có uy tín, và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, chọn những sản phẩm có dán tem kiểm định cơ quan chức năng, khi nhận bình phải kiểm tra kỹ hạn sử dụng ở dưới đáy bình, vòi phun, van hãm, thân bình...

Làm gì khi xe ôtô mất phanh, mất lái?

 Thường ít khi xảy ra nhưng hiện tượng mất phanh và mất lái là hai trong số những sự cố kỹ thuật nguy hiểm nhất khi xe tham gia giao thông.

Vì vậy, để phòng tránh và xử lý tình huống bất ngờ xảy ra, người sử dụng xe phải đảm bảo chế độ chăm sóc, sửa chữa, bảo dưỡng xe định kỳ, tham khảo và nâng cao kỹ năng xử lý những tình huống khẩn cấp.

Khi ô tô mất phanh, hãy về số thấp

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ôtô, hiện tượng mất phanh không chỉ xảy ra với những chiếc xe đời cũ. Xe đời mới cũng có thể gặp trường hợp bị mất phanh. Gặp tình huống bất ngờ này, lái xe thường bị động, luống cuống, tạo hậu quả nặng nề.

Hiện tượng mất phanh xảy ra nhiều nhất với những xe chạy đường dài, đường đồi núi, địa hình hiểm trở. Bởi khi đi ở các cung đường này lái xe thường sử dụng phanh quá nhiều, trong khi hệ thống phanh của hầu hết các xe đều được dẫn động bằng dầu và trợ lực bằng khí chân không, nên khi sử dụng nhiều dễ sinh nhiệt làm trơ má phanh, phanh không ăn, làm lộn cupen ở xilanh phanh và mỗi lần đạp phanh làm dầu phanh thất thoát ra ngoài, dẫn đến mất phanh.

Về số thấp khi xe mất phanh (kể cả với xe số tự động).

Về số thấp khi xe mất phanh (kể cả với xe số tự động).

Khi mất phanh, hãy bình tĩnh kéo phanh tay, tiếp đến là cố gắng gạt cần số trở về vị trí số 1 để xe giảm tốc xuống mức chậm nhất.

Lưu ý:Không gạt về số 0 (N) quá lâu, bởi khi xe đang xuống dốc mà bạn đạp côn để về số 0 thì xe sẽ lao đi nhanh hơn và rất khó để vào lại được số do tốc độ của máy và tốc độ vòng quay của bánh xe không còn đồng tốc.

Chẳng hạn, xe của bạn đang đổ đèo ở vị trí số 3 và đột ngột mất phanh, để dồn về số 1 bạn đạp côn, về số 0; nhả chân côn và vù mạnh chân ga để tốc độ vòng tua máy đồng tốc với tốc độ vòng quay bánh xe; tiếp đến là đạp chân côn, dồn về số 2. Lúc này, xe sẽ khựng lại và giật đột ngột, bạn hãy gạt cần số về số 1, tốc độ xe đã rất chậm, bạn có thể dừng hẳn xe bằng cách nhả cần phanh tay đã kéo rồi nhanh chóng kéo mạnh để dừng hẳn xe.

Khi mất phanh, bạn nên đạp nhồi chân phanh liên tục nhiều lần để có thể phục hồi tạm thời áp suất thủy lực trong đường ống bị rò rỉ... Sau đó, cho xe dừng hẳn bằng cách dựa vào các thanh hộ lan, lan can thép, bờ tường, lề đường, vách núi...

Với những xe trang bị hộp số tự động, khi mất phanh hãy gạt cần số về số R (số lùi) để các bánh xe bị khóa chặt, cách này có thể làm hỏng hộp số xe, nhưng sẽ an toàn hơn.

Ngoài ra, có thể hãm tốc độ bằng cách gạt cần số sang chế độ lái số sàn, chuyển từng số một: D3, D2, D1... căn cứ trên tốc độ của xe tại thời điểm mất phanh. Tiếp theo là kéo phanh tay, tắt điều hòa để vòng tua máy không cao, khi ở số L, tốc độ giảm còn khoảng dưới 20km/h và bạn có thể hạ và tiếp tục kéo mạnh phanh tay nhấc, nhả, hoặc cảnh báo mọi người trên xe bám chặt vào ghế, giật thật mạnh để xe dừng hẳn...

Để giảm thiểu các tác động dẫn đến mất phanh, bạn nên tập thói quen đi bằng số thấp (số 1, 2 hoặc 3) mỗi khi đổ đèo, dốc cao, hoặc địa hình hiểm trở để vòng tua máy thấp sẽ làm hãm độ trôi của xe, gánh bớt gánh nặng của phanh. Nên nhớ, những xe được chăm sóc, sửa chữa, bảo dưỡng đúng định kỳ thì tỷ lệ mất phanh chỉ là 1%.

Khi xe mất lái hãy giảm tốc độ

Mất lái là khi bạn không thể điều khiển xe theo đúng hướng. Mất lái xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: Một là lỗi kỹ thuật của xe (nổ lốp, một chi tiết nào đó trong hệ thống lái hoặc các bộ phận liên quan bị hỏng hóc, kẹt cứng, hệ thống bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác...); Hai là lỗi điều khiển xe của người lái (không làm chủ tốc độ, không làm chủ được chân ga, chân phanh, vào cua ở tốc độ cao, đi trên những đoạn đường trơn trượt...).

Khi xe mất lái, xe bị văng ra khỏi đường, bạn hãy bình tĩnh giữ chặt lái, không được cố đánh lái để cho xe quay trở lại đường ngay. Đồng thời, nhả ga để xe đi chậm lại và không đạp mạnh chân phanh. Chờ khi xe chậm, hãy quan sát kỹ và từ
từ đánh lái cho xe trở lại phần đường của mình.

Khi xe mất lái, xe bị văng ra khỏi đường, bạn hãy bình tĩnh giữ chặt lái.

Khi xe mất lái, xe bị văng ra khỏi đường, bạn hãy bình tĩnh giữ chặt lái.

Để hạn chế hỏng hóc trên xe có thể dẫn tới mất lái, bạn nên bảo dưỡng định kỳ hệ thống lái và các chi tiết liên quan như: vô lăng, rô-tuyn lái, vòng bi, gioăng cao su, luôn kiểm tra áp suất lốp, căn chỉnh góc đặt bánh xe...

Khi lái xe, không phóng nhanh, không vượt ẩu, đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách an toàn với các xe lưu thông trên đường. Khi đi qua những địa hình trơn trượt, mưa ướt, phải giảm tốc độ, ít nhất 10% so với tốc độ ngày nắng trên đường thẳng; giảm 20% nếu
đường ôm cua. Không nên phanh gấp, kéo phanh tay khi xe bị trượt bánh, tăng khoảng cách an toàn với xe phía trước.

Tại những đoạn vào cua, bạn áp dụng cách chém cua hết mức có thể để giảm góc cua. Khi đi đường đồi núi có nhiều khúc cua tay áo thì phải lái xe áp vào bên núi, giảm tốc khi vào cua có bề mặt đường nghiêng về phía ta-luy âm (phía bên vực).

Ưu và nhược điểm khi bơm lốp bằng nitơ

  Lốp bơm nitơ tinh khiết có độ ổn định tốt hơn so với lốp bơm bằng không khí, tuy giá thành cao và khá bất tiện. Hầu hết ôtô đều bơm lốp bằ...